Ước mơ tìm lại đôi mắt cho chị gái của bạn Hoàng Thị Nguyệt
Các bạn thân mến, theo quan niệm của nhà phật có câu: Tài sản quý giá nhất của con người là sức khỏe. Thật vậy, có sức khỏe thì bạn mới có khả năng học tập, làm việc, hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ càng cảm thông cho những người có phần kém may mắn khi họ đang phải mang trong người một khiếm khuyết, bệnh tật. Radio 14 này cũng là chia sẻ của bạn Hoàng Thị Nguyệt có chị gái khiếm thị. Ước mơ có thể tu chí học tập, tìm ra phương thức chữa trị cho chị gái là mục tiêu mà Nguyệt đặt ra. Hãy cùng theo dõi câu chuyện mang tên “Đôi mắt” rất cảm động của bạn Nguyệt nhé! Chúc Nguyệt sẽ sớm thực hiện ước mơ: "Mang đôi mắt trở về cho chị".
Các bạn theo dõi các Radio học bổng ước mơ khác tại ĐÂY và bình chọn cho Ước mơ bạn yêu thích trong tháng 9/2013 bằng cách tích like cho bài viết nhé! Thời gian vote kéo dài từ 10/10 cho đến 12h trưa ngày 20/10/2013.
Bài viết đầy đủ:
Gửi các Sứ giả truyền cảm hứng câu chuyện của tôi…Câu chuyện có thể đáp ứng được yêu cầu thể lệ của cuộc thi là không quá 1000 từ, nhưng đây là những chia sẻ tôi muốn gửi tới mọi người… Tôi có một ước mơ…
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông bình thường, bố là thương binh nặng bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ lần thứ 2. Mẹ cả đời vất vả cùng đồng ruộng, lợn gà. Gia đình tôi có 4 anh chị em. Có điều, chị gái tôi là người thiệt thòi nhất. Không biết có phải ảnh hưởng từ chiến tranh (vì nghe nói bố tôi trước kia tham gia chiến đấu gần vùng bị rải chất độc da cam), bẩm sinh đôi mắt chị tôi đã có vấn đề, mắt kém, nhìn mọi vật đều không rõ ràng. Ngày mới phát hiện ra, bố mẹ tôi cũng có đưa chị đi khám chỗ này chỗ kia, y học ngày ấy không hiện đại như bây giờ, người ta cũng chỉ kết luận là cận+ loạn thị, bảo về đeo kính là được. Mọi người tạm yên tâm. Ấn tượng ngay khi còn nhỏ của tôi, chị chăm chỉ, cần mẫn, chẳng ngại việc khó, việc khổ. Có lần tôi được nghe kể, đang ngồi học trên lớp (nhà tôi ngay gần trường cấp 1, cấp 2), thấy trời đổ cơn giông, sợ mẹ tôi đi làm không về kịp, chị tất tưởi xin ra ngoài, chạy một mạch về nhà bốc hết một sân đậu tương đang phơi, phủ bạt cẩn thận, rồi lại chạy lên lớp học tiếp. Cái câu chuyện mà cho đến khi tôi học cấp 2, thỉnh thoảng các cô giáo vẫn hay nói lại. Sáng sáng chị dậy từ sớm, nấu cơm sáng cho cả nhà, cho lợn gà ăn uống đầy đủ, rồi tất tưởi đạp xe hơn 7 cây số đi học, trưa lại đạp xe về, nấu cơm. Chị cứ như người mẹ thứ 2 trong gia đình vậy. Thôi thì, cuộc sống nhà nông, ai rồi cũng vất vả thế. Nên tự nghĩ chẳng đáng gì so với bao người còn đang khó khắn, vất vả hơn ngoài kia. Cuộc sống cứ trôi đi bình thường. Nhưng, mắt chị tôi càng ngày càng kém, đeo kính dạng nặng cũng không còn nhìn rõ mấy. Mọi người bắt đầu lo lắng, đâu đó làng xóm bắt đầu rỉ tai nhau, cái D mắt kém, thậm chí có người còn độc miệng bảo chị tôi bị mù. Rất nhiều lần tôi thấy chị quay mặt đi hướng khác lau nước mắt. Chị và anh rể tôi yêu nhau 10 năm. Ngay từ những ngày đầu mới yêu, gia đình bên anh rể tôi đã ngăn cản, không muốn 2 người tiến tới, vì sợ mắt chị tôi kém, lấy về rồi không làm ăn được. Mặc kệ mọi người nói, anh chị vẫn yêu nhau. Gần ngày cưới, chị tôi tự đi khám mắt. Ngày hôm ấy, ngày mà tôi không thể quên, không khí gia đình bỗng trở nên nặng nề. Tôi đi học về, thấy chị nằm khóc, khóc đến sưng húp cả hai mắt, bố mẹ, các anh mỗi người một góc, chẳng ai nói với ai lời nào. Người ta kết luận chị bị lão hóa dây thần kinh thị giác, phỏng đoán khoảng 10 năm nữa thì không nhìn được nữa. Khả năng chữa được là rất ít nhưng cũng phải cần một khoản tiền rất lớn. Chị tôi cương quyết đòi hủy đám cưới, mặc anh rể nói hết lời. Mọi người trong gia đình tôi chẳng ai dám nói gì, sợ chị suy nghĩ quá lại làm gì đó dại dột. Chị khóc ròng 2 ngày, rồi bỗng chị trở lại bình thường, lại cười nói cứ như không có chuyện gì xảy ra. Lại tiếp tục công việc hàng ngày bình thường, như một người bình thường. Tạm gọi là một happy ending, bằng sự thuyết phục của anh, của gia đình, bạn bè, anh chị lấy nhau. Mọi người vẫn mang một hi vọng, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, bố mẹ giúp đỡ, rồi sẽ có ngày đủ tiền đưa chị đi chữa. Cuộc sống gia đình vất vả, anh làm xa nhà, chị lo toan, quán xuyến hết mọi việc trong nhà. Chăm mẹ chồng già, chăm 2 con nhỏ. Không muốn bị nghĩ người vô ích, chị ôm đồm rất nhiều việc, chăn nuôi, đồng ruộng, làm thêm việc thủ công. Mọi việc đều đâu ra đấy, mọi người cũng có con mắt khác về chị. Và, làng trên xóm dưới cũng quen với cái việc “ Cái D nhà ông T mắt kém”…Chị cũng chẳng dám oán trách ai, mặc nhiên đấy là cái số của mình. Đôi lúc tôi thấy chị tủi thân, nhất là khi chị dạy đứa lớn học bài. Nhiều lần chị bảo, nhiều lúc có muốn bảo con học, mà chẳng nhìn rõ, toàn bảo con đọc to lên rồi hướng dẫn. Có khi còn chẳng nhìn rõ mặt con. Cái cách mà chị nói dường như chỉ là tường thuật một câu chuyện, cũng chẳng thể hiện gì cho ai biết. Nhưng tôi biết, nhưng lúc như vậy chị đang buồn lắm. Chị là một trong hai người mạnh mẽ, gan lỳ duy nhất trong số những người tôi từng biết. Sự vất vả, lại thêm sức khỏe yếu đi sau hai lần sinh mổ, cái con số 10 tối thiểu dường như không kịp. Mới chỉ 7 năm kể từ ngày hôm đó, mắt chị gần như không nhìn thấy gì nữa. Chị làm mọi việc chỉ theo quán tính. Đợt vừa rồi, tôi đón chị lên Hà Nội đi khám lại mắt. Hi vọng bây giờ y học phát triển hơn, có thể chữa được sớm. Chị vay mượn chỗ nọ chỗ kia, mang khá khá tiền, ý định nếu có thể thì sẽ ở lại chữa luôn. Nhưng mọi thứ hi vọng trong chị đều sụp đổ, khi bác sĩ buông một câu lạnh lùng “không chữa được đâu, không phải tái khám lại nữa cho mất thời gian. Mà bệnh này di truyền, về đưa ngay người nhà đi khám”. Chị bị viêm sắc tố võng mạc-căn bệnh chỉ 1-2% dân số mắc phải, cho đến nay vẫn chưa có cách chữa. Chị bật khóc nức nở ngay tại phòng khám, khóc đến nghẹn ngào như chưa từng được khóc. Chị tủi thân cho số phận mình thì ít, nhưng thương, lo lắng cho hai đứa nhỏ thì nhiều. Chị sợ chúng sẽ khổ như chị, chịu đủ những thứ thiệt thòi như chị từng phải chịu. Tôi đã cố gắng kìm nén không để mình khóc, tôi tự nhủ những lúc như thế này mình phải mạnh mẽ, phải là chỗ dựa cho chị. Nhưng mà nước mắt cứ rơi, rơi không đừng được. Cả phòng khám ai cũng thương, cũng có người khóc. Chị là gần như trẻ tuổi nhất trong số những người ở đó. Chị mới 32 tuổi, vẫn chưa đi được nửa cuộc đời. Chặng đường sau này chị sẽ phải thế nào khi hai mắt không nhìn được nữa. Đấy là lần thứ 2 trong cuộc đời từ trước tới giờ, tôi thấy chị bật khóc thành tiếng cho bản thân mình như vậy.
Tôi về nhà lên mạng tìm hiểu, được biết hiện nay ở nước ngoài, một vài nơi như Pháp, Đức, người ta đã tìm ra một vài phương pháp tuy không chữa dứt điểm, nhưng cũng cải thiện được phần nào thị lực dù chưa công bố rộng rãi. Ngay lúc ấy, trong tôi hừng hực quyết tâm. Nhất định sau này tôi phải thành đạt, phải làm ra được thật nhiều tiền, có thể đưa chị ra nước ngoài chữa bệnh. Hàng ngày tôi vẫn thườn xuyên lên mạng tìm kiếm tin tức, thông tin về căn bệnh của chị. Tôi lấy chị làm nghị lực, lấy đôi mắt chị làm quyết tâm. Hơn lúc nào hết, tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, cố gắng, sống và làm việc thêm phần của chị. Người ta nói, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, là nơi mang ánh sáng cho con người. Vì vậy, tôi hi vọng, trong tương lai gần nào đó, những người mắc căn bệnh như chị tôi, và cả những người bị khiếm thị nói chung, đều có cơ hội được chữa, tìm lại đôi mắt cho mình. Tôi và tất cả chúng ta đều đặt hi vọng vào những người bác sỹ, các nhà khoa học tận tâm, đang hàng ngày, hàng giờ nghiên cứu, tìm ra các phương pháp chữa bệnh. Hi vọng về một tương lai sáng hơn.
Tôi là con út trong gia đình, được ăn học đầy đủ nhất so với các anh chị. Giờ đây khi ngồi viết những dòng này, tôi đang ngồi trong một ngôi trường danh giá, đứng trong top đầu cả nước, là niềm mơ ước của rất nhiều bạn. Tôi biết, tôi đang mang trên mình niềm tự hào và hi vọng của rất nhiều người, của bố mẹ, của anh chị, của cậu, của các bác….Và tôi càng biết rằng, tôi phải cố gắng hơn nữa, không phải chỉ cho riêng bản thân mình, mà còn cho bố mẹ, cho anh chị, thực hiện bằng được mơ ước của tôi- mang đôi mắt trở về cho chị.
Hãy chia sẻ ước mơ của bạn về email: ihaveadream@mshoatoeic.com để chắp cánh cho ước mơ đó mãi bay cao bay xa bạn nhé. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)
Một số tin bài tham khảo khác:
Mshoatoeic question test
Mshoatoeic địa chỉ
Mshoatoeic lịch khai giảng
Mshoatoeic video