Đó chính là lí do Radio Học bổng ước mơ số 2 chọn bài viết của bạn Lê Thị Mai Quyên để chia sẻ với các bạn.
Cùng lắng nghe Radio số 2 nhé:
Các bạn theo dõi các Radio học bổng ước mơ khác tại ĐÂY và bình chọn cho Ước mơ bạn yêu thích trong tháng 4/2015 bằng cách tích like cho bài viết nhé! Thời gian vote kéo dài từ 23/4/2015 cho đến 14h ngày 10/5/2015.
Lượng like cuối bài viết là căn cứ để tính điểm bình chọn!
Bài viết đầy đủ:
Thời điểm nào một ước mơ sẽ là một món quà!!!!
Tôi có nhiều ước mơ, nhưng không phải ước mơ nào cũng thành hiện thực, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong thời điểm đó.
Bố thường kể cho tôi nghe, chuyện ngày xưa nơi bố đi xa nhất là cách nơi chúng tôi ở 200km. Nhưng chỉ mới đi đến nơi, chưa tìm hiểu được gì đã phải về. Đó là câu chuyện khi bố còn trẻ, sau này khi chị em chúng tôi đã trưởng thành, bố có điều kiện được đi nhiều nơi hơn, nhưng những gì còn dang dở trong chuyến đi đầu tiên của người thanh niên đó thì vẫn là một kỷ niệm.
tôi ra nhập học, với lời dặn dò, hãy đi thật nhiều và học hỏi thật nhiều. Nhưng tôi không làm được nhiều như bố dặn dò, vì sức khỏe tôi yếu, tôi sợ xe ô tô như một đứa trẻ lên ba sợ ông ba bị. Hết bốn năm học, tôi không đi được chuyến tình nguyện nào, không nhấc chân được ra khỏi thành phố nơi tôi học, chỉ vì những lý do dở tệ đó. Tôi đã bỏ dở giấc mơ của tôi trong thời điểm đó, có một sự nuối tiếc không hề nhỏ của một cá nhân không nỗ lực cho ước mơ của mình. Và điều làm tôi cảm thấy tệ nhất là khi kể về chuyến đi tình nguyện Quảng Bình ở khoa, bố tôi đã nuối tiếc thốt lên: sao con không đi? Tôi lặng im không nói, vì thật ra không có gì để biện minh cho một tâm hồn bạc nhược và một thể chất còn bạc nhược không kém. Bố tôi nuối tiếc cho chuyến đi của tôi như khi kể về chuyến đi bỏ dở của bố khi còn trẻ.
Tôi đã từng học tiếng Anh nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng bỏ dở, vì tôi quá tham lam muốn ôm đồm nhiều việc, hoặc đơn giản chỉ vì không có hứng thú. Cô giáo dạy tiếng Anh của tôi ở Ms Hoa đã nói: bạn chỉ làm được việc mình muốn khi bạn thích. Tôi thấy điều đó đúng, có thể chỉ riêng với trường hợp của tôi. Khi tôi còn học tiểu học, tôi mơ ước trở thành cô giáo. Và tôi đã thực hành điều đó với một niềm đam mê không hề nhỏ với cô em gái kém tôi năm tuổi vào mỗi mùa hè. Nhưng nếu tôi càng hứng thú bao nhiêu, cô em gái tôi càng nức nở bấy nhiêu. Và cô gái nhỏ trong tôi nhận ra rằng, ước mơ của mình chỉ thành hiện thực khi điều mình làm không mang lại đau khổ cho người khác. Tôi lại từ bỏ ước mơ của mình.
Khi tôi tốt nghiệp đại học, điều tôi mong ước là được trở về nơi mảnh đất mình sinh ra, được làm việc, cống hiến những gì tôi đã học, được ở bên cạnh chăm sóc mẹ cha. Cô gái tuổi đôi mươi, hăm hở gói ghém tất cả hành trang có được trong bốn năm học, hăm hở về nhà, để sau đó chính cô gái ấy tức tưởi nức nở lặng im bước chân ra đi vào một năm sau. Mảnh đất quê hương vẫn dịu dàng ấm áp như lòng mẹ, nhưng chỉ là nơi bình yên cho ta tìm về, không hẳn là nơi phù hợp cho ta sinh sống. Có ở đâu đó, tôi đã từng đọc một câu nói: dũng cảm không chỉ là khi bạn chiến đấu tới cùng, mà dũng cảm còn là khi bạn biết từ bỏ.
Khi còn là sinh viên, tôi đọc khá nhiều các sách về hạt giống tâm hồn, trong đó có một câu chuyện kể về hai chàng trai đi vào rừng tìm mầm cây may mắn để mang về cứu vương quốc của mình. Hai chảng trai, với cùng một mục đích nhưng khác nhau về hành động đã thu về kết quả khác nhau. Chảng trai thứ nhất, đi vào rừng, và nằm chờ đến thời điểm hạt may mắn rơi xuống. Chàng trai thứ hai, đi vào sâu trong khu rừng, tìm khoảng đất bằng phẳng, có đủ ánh sáng, chàng bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ khoảng đất, xới đất thật tơi xốp, tỉa gọn các tán cây rừng xung quanh. Chàng chăm chỉ làm việc chờ đến ngày hạt may mắn rơi xuống. Vậy ai sẽ là người mang được mầm cây may mắn về? Câu chuyện tôi đã đọc từ đầu những năm 2000, có lẽ không còn phù hợp trong thời thông tin bùng nổ hiện nay. Và ai có được kết quả như ý muốn không quan trọng bằng cách bạn lựa chọn hành động như thế nào để dành được kết quả đó. Câu chuyện muốn chúng ta hiểu rằng, may mắn luôn luôn có rất nhiều, chỉ là chúng ta có tạo cơ hội cho may mắn nảy mầm hay không? Hành động của một cá nhân là thước đo giá trị ước mơ của họ. Và khi bạn nỗ lực để biến ước mở thành hiện thực bằng những hành động cụ thể, lúc đó ước mơ không chỉ là ước mơ, đó là một món quà.
Đến bây giờ nếu nhiều người hỏi tôi: vậy ước mơ của bạn là gì? Tôi sẽ băn khoăn rất lâu, vì tôi vẫn thấy mình không có ước mơ, tôi thấy mình luôn hành động, làm việc và học hỏi để biến những điều tôi mong muốn trở thành hiện thực – thời điểm một ước mơ trở thành một món quà.
***************
Gửi bài cho Học bổng ước mơ tại địa chỉ ihaveadream@mshoatoeic.com
CHI TIẾT THỂ LỆ QUỸ HỌC BỔNG ƯỚC MƠ: https://www.anhngumshoa.com/tin-tuc/ms-hoa-toeics-dream-scholarship-quy-hoc-bong-uoc-mo-ms-hoa-toeic-2015-35827.html